fbpx
Chuyển tới nội dung
BACNINH.CITY » Người Bắc Ninh » Danh nhân » Nguyên Phi Ỷ Lan vị quan âm bồ tát trong lòng dân chúng

Nguyên Phi Ỷ Lan vị quan âm bồ tát trong lòng dân chúng

  • bởi

Vua Lý đã 40 tuổi mà chưa có con trai, từ kinh thành Thăng Long về chùa Dâu – quê hương Kinh Bắc của ngài để cầu tự. Dân làng nô nức đi xem nhưng riêng có cô gái nọ vẫn mải mê ngoài đồng. Quân lính lấy làm lạ tiến lại hỏi sự tình, thấy cô gái dung mạo rất xinh đẹp, mắt phượng mày ngài, vẻ mặt tươi sáng, nói năng dịu dàng mà đĩnh đạc đang tựa vào gốc cây lan… Nhà vua thấy vậy đoán đây là một cô gái thông minh, tháo vát… nên cho vời về kinh đô.

Lý Thánh Tông, tên thật là Lý Nhật Tôn, là vị vua thứ ba của vương triều Lý, sinh năm Quý Hợi, niên hiệu Thuận Thiên thứ 14 (1023). Năm Giáp Ngọ (1054) lên ngôi Hoàng đế. Khi đã 40 mươi tuổi, ngài vẫn chưa có con trai, nên thường đến các ngôi chùa linh thiêng trong nước để cầu tự. Vào năm Quý Mão (1063), nhằm một ngày đẹp trời, ngài tổ chức về chùa Dâu (Luy Lâu, Kinh Bắc – nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) để cầu tự.

Dân chúng các làng xã nô nức ra xem kiệu rước nhà vua, đoàn tùy tùng phát hiện, duy chỉ có một cô gái tên là Lê Thị Khiết (có những tài liệu khác ghi tên là Lê Khiết Nương, Lê Thị Yến) người hương Thổ Lỗi, huyện Siêu Loại, xứ Kinh Bắc (tên Nôm là làng Sủi, nay thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội), không đi xem đoàn kiệu rước nhà vua, vẫn mải mê cắt cỏ (có tài liệu ghi là hái dâu). Quân lính trong đội xa giá lấy làm lạ tiến lại hỏi sự tình, thấy cô gái dung mạo rất xinh đẹp, mắt phượng mày ngài, vẻ mặt tươi sáng, nói năng dịu dàng mà đĩnh đạc đang tựa vào gốc cây lan… Nhà vua thấy vậy đoán đây là một cô gái thông minh, tháo vát… nên cho vời về kinh đô.

Đọc thêm: Các món ngon đặc sản Thuận Thành – Bắc Ninh

Về đến triều đình, vua đặt cho Lê Thị Khiết tên hiệu là Ỷ Lan (vì khi nhà vua gặp bà, bà tựa vào gốc cây lan thưa chuyện). Vua cho xây một cung riêng (nay là đình Yên Thái, ngõ Tạm Thương phường Hàng Gai, Hà Nội), rồi cử một nữ học sỹ đến giảng dạy cho Ỷ Lan học hành, chữ nghĩa. Vốn sẵn thông minh, nhanh nhẹn, nên Ỷ Lan học một biết mười, chẳng bao lâu đã làu thông kinh sử, kiến thức uyên thâm… Rồi Ỷ Lan sinh cho vua Lý Thánh Tông một người con trai, nhà vua vui sướng đặt tên con trai là Càn Đức. Cũng từ đó Ỷ Lan được tôn làm Nguyên phi, Càn Đức được phong làm Hoàng Thái tử.

Đình Yên Thái ngày nay vẫn thờ Nguyên Phi Ỷ Lan:

đình yên thái hà nội
đình yên thái hà nội

Năm 1069, khi vua Lý Thánh Tông cùng Thái úy Lý Thường Kiệt (1019 – 1105) đem quân đi chinh phạt Chiêm Thành thường gây rối vùng biên giới phía nam của đất nước, vua giao quyền cho Nguyên Phi Ỷ Lan cai quản đất nước. Cùng năm đó, nước Đại Việt không may bị lũ lụt lớn, mùa màng mất sạch, dân tình đói kém, loạn lạc nổi lên khắp nơi. Ỷ Lan đã đề ra những kế sách đúng đắn và những quyết đoán táo bạo, nhờ tài năng tính toán của bà mà dân đói được cứu sống, loạn lạc được dẹp yên. Chính vì vậy nhân dân các vùng miền trong nước khi ấy tôn vinh bà như một vị Quan Âm Bồ Tát sống. Nhà vua và Thái úy Lý Thường Kiệt đánh giặc lâu ngày không thắng, vua giao cho Lý Thường Kiệt quyền thống lĩnh quân đội, đem một cánh quân nhỏ rút về. Khi kéo quân về tới châu Cư Liên (Hưng Yên) thấy dân chúng hết lời ngợi ca tài trị nước của Ỷ Lan. Rằng bà đã vững vàng chèo lái đưa đất nước vượt qua muôn trùng gian khó, gìn giữ cho giang sơn được thái bình thịnh trị. Nhà vua thấy Ỷ Lan là đàn bà mà tài giỏi như vậy, ta là đàn ông cớ sao lại kém cỏi hơn đàn bà nên đốc thúc quân quay trở lại chiến trường đánh cho kỳ thắng mới về. Với quyết tâm cao, quân đội của nhà vua lần này đã chiến thắng quân giặc, vua quan dẫn quân trở về trong niềm hân hoan.

Khu di tích đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan hay còn gọi là chùa Bà Tấm thuộc xã Dương Xá, Gia Lâm (Hà Nội).
Khu di tích đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan hay còn gọi là chùa Bà Tấm thuộc xã Dương Xá, Gia Lâm (Hà Nội).

Ba năm sau, vào tháng Giêng năm Nhâm Tý (1072), Vua Lý Thánh Tông qua đời, Thái tử Càn Đức lên nối ngôi, lấy tên hiệu là Lý Nhân Tông, tôn mẹ là Nguyên Phi Ỷ Lan lên làm Linh Nhân Hoàng thái hậu. Lúc đó vua mới bảy tuổi, Hoàng thái hậu đã thay con nhiếp chính, bà đã cùng Lý Thường Kiệt hai lần đánh tan quân Tống xâm lược vào các năm 1075 và 1077. Khi Lý Thường Kiệt bận thao lược điều quân ngoài mặt trận, Hoàng thái hậu ở hậu phương cùng với Thái phó Lý Đạo Thành lo lắng việc binh lương rất chu tất.

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó, Nguyên Phi Ỷ Lan luôn quan tâm đến đời sống của nhân dân. Bà hiểu sâu sắc “con trâu là đầu cơ nghiệp”, nên đề ra hình phạt rất nặng đối với những kẻ ăn trộm trâu. Đến khi sắp nhắm mắt, tắt hơi bà còn nhắc nhở vua: “Gần đây người tại kinh thành và ở các làng có kẻ chuyên đi ăn trộm trâu, làm cho nông dân cùng quẫn, có nhiều nơi mấy nhà phải cày chung một con trâu. Trước đây ta đã từng nói việc ấy và triều đình đã từng ra lệnh cấm, nhưng nay việc giết trâu lại có phần tăng hơn trước”. Vua Lý Nhân Tông nghe lời mẹ, ra lệnh lùng bắt, trị tội nghiêm khắc bọn trộm cắp trâu. Từ đó việc giết trâu để làm cỗ bàn, khao vọng cũng bị nghiêm cấm.

Sinh thời bà quan tâm đến việc hướng dẫn dân chúng trồng dâu, nuôi tằm, cấy lúa, dệt vải, chăn nuôi và nhiều việc khác để đạt được cuộc sống ấm no. Cho đến lúc cuối đời, bà vẫn đau đáu nghĩ đến bà con nông dân. Vùng quê nào bị hạn hán, lũ lụt là bà lại không an lòng, tìm mọi cách để cứu giúp người dân. Nguyên Phi Ỷ Lan là người có kiến thức uyên thâm, cũng như các vua thời Lý bà rất sùng đạo Phật, chăm làm việc thiện, bỏ nhiều công của ra xây dựng nhiều chùa tháp. Bà đã từng cho làm cỗ chay thiết đãi các nhà sư tại chùa Khai Quốc, nay là chùa Trấn Quốc ở Thủ đô Hà Nội. Thiền sư Trí Không khi đàm đạo với Nguyên Phi Ỷ Lan đã dẫn lời nhà sư Đàm Thiên đời Tùy (Trung Hoa) nói rằng: “Xứ Giao Châu có đường thông sang Tây Trúc. Khi Phật giáo chưa vào Trung Hoa, chưa phổ cập ở Giang Đông mà ở Liên Lâu (tức Luy Lâu, Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay) xứ ấy đã xây hơn 20 bảo tháp, độ được 500 vị tăng và dịch được 15 bộ kinh rồi. Thế là xứ ấy theo đạo Phật trước ta (Trung Hoa). Bấy giờ có các vị sư Ma La Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương đến đó truyền đạo”. Qua những câu chuyện của bà với thiền sư Trí Không, ngày nay chúng ta biết đạo Phật du nhập vào nước ta như thế nào. Bà cũng là tác giả của khá nhiều bài kinh, kệ còn lưu truyền đến ngày nay.

Xuất thân từ con nhà nông chân lấm tay bùn, hiểu rõ nỗi khổ của người nông dân, nên bà luôn mong muốn làm sao để cho đời sống của nông dân được no ấm, đủ đầy. Hồi đó ở thôn quê có nhiều phụ nữ nghèo, phải bán mình hoặc đem thân thế nợ, vào năm Quý Mùi (1103) bà đã lấy tiền trong ngân khố của Nhà nước ra chuộc nợ cho họ, và cho người đứng ra dựng vợ gả chồng cho những con người tội nghiệp ấy. Việc này, sử thần Ngô Sỹ Liên viết: “Thái hậu đổi đời cho họ, cũng là việc làm nhân chính vậy”.

Một lần vua Lý Thánh Tông hỏi Ỷ Lan về kế trị nước, Ỷ Lan tâu: “Muốn nước giàu dân mạnh, điều quan trọng là phải biết nghe lời can gián của đấng trung thần. Lời nói ngay nghe chướng tai nhưng có lợi cho việc làm, Thuốc đắng khó uống nhưng chữa được bệnh… Phải xem quyền hành là một thứ đáng sợ. Quyền lực và danh vọng thường làm thay đổi con người. Tự mình tu đức để giáo hóa dân thì sâu hơn mệnh lệnh. Dân bắt chước người trên thì nhanh hơn pháp luật. Muốn nước mạnh hoàng đế phải nhân từ với muôn dân. Phàm xoay cái thế thiên hạ ở nhân chứ không phải ở bạo. Hội đủ những điều ấy nước Đại Việt sẽ vô địch”. (Theo sách “Các triều đại Việt Nam” của các tác giả Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh Niên – 2005).

Ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu, niên hiệu Hội trường đại khánh thứ 8 (1117) đời Lý Nhân Tông, bà qua đời, được hỏa táng và được tôn dâng tên thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng thái hậu, táng ở “Thọ lăng Thiên Đức” tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.

Nguyên Phi Ỷ Lan hay Hoàng Thái Hậu Linh Nhân là người phụ nữ rất tài giỏi trong lịch sử nước ta. Tên tuổi và sự nghiệp của bà gắn liền với hai vị minh quân Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông. Bà đã có nhiều cống hiến về kinh tế, văn hóa và chính trị cho đất nước. Ghi nhớ công ơn bà, nhân dân ta tại nhiều địa phương đã xây dựng đền thờ.
Tại Bắc Ninh có đền thờ bên cạnh chùa Dạm và chùa Phật Tích; Đền thờ bà ở Hoàng Xá, Hà Tây cũ; Ở Thanh Hóa có đền cạnh chùa Báo Ân. Ở Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội có chùa Bà Tấm rất to đẹp, uy nghiêm; Rồi ở đình Yên Thái, ngõ Tạm Thương, phường Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Đền Ghềnh, thường gọi là đền Ỷ Lan, Văn Lâm, Hưng Yên… Tại các địa phương có đền thờ bà Nguyên Phi Ỷ Lan, nhân dân ta thường gọi là đền thờ Bà Tấm, ý muốn nói bà có cuộc đời tựa như cô Tấm trong truyện cổ tích xưa.

Nhớ tới công lao của Nguyên Phi Ỷ Lan, từ khi tái lập tỉnh Bắc Ninh, thị xã Bắc Ninh (nay là thành phố Bắc Ninh) đã đặt tên bà cho một con đường và công viên ngay tại trung tâm thành phố.

Video: Nguyên Phi Ỷ Lan: Người phụ nữ 2 lần nhiếp chính trị quốc, chống giặc thành công

Có thể bạn quan tâm: Các danh nhân, người nổi tiếng quê Bắc Ninh

Nguồn: http://www.baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-bac-ninh-xua-va-nay/-/details/20182/nguyen-phi-y-lan-vi-quan-am-bo-tat-trong-long-dan-chung

Bạn có biết: Vua Lý Nhân Tông gặp cô gái hái dâu sau thành Nguyên Phi Ỷ Lan trên đường đi về chùa Dâu (nay ở Quốc lộ 17 – xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành). Hiện tại, đây còn con đường quan trọng giúp kết nối 3 huyện Nam Đuống với Hà Nội. Mời các bạn cùng tìm hiểu Đường tránh Quốc lộ 17 ở Bắc Ninh: Quy hoạch, vị trí, cập nhật tiến độ GPMB & xây dựng

Bình luận

Verified by MonsterInsights