fbpx
Chuyển tới nội dung
BACNINH.CITY » Món ngon - Quán ngon » Làng nghề miến dong, bánh đa nem, mì gạo Đức Lân – Yên Phụ – Yên Phong vào vụ Tết

Làng nghề miến dong, bánh đa nem, mì gạo Đức Lân – Yên Phụ – Yên Phong vào vụ Tết

  • bởi

Chỉ còn hơn một tháng là đến Tết Nguyên Đán 2023, các hộ dân thôn Đức Lân, xã Yên Phụ (Yên Phong, Bắc Ninh) nhộn nhịp, khẩn trương sản xuất miến dong để kịp đơn hàng phục vụ nhu cầu của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Đọc thêm: Bản đồ quy hoạch sử dụng đất xã Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh đến năm 2030 (đã phê duyệt)

Ở thôn Đức Lân miến dong được sản xuất quanh năm, nhưng từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch được coi là vụ chính vì tập trung phục vụ hàng Tết. Vào những ngày cuối năm không khí sản xuất tấp nập, rộn rã. Đi từ đầu làng đã thấy từ các lò, miến vừa được ra phên đến đâu liền được người lao động nhanh tay chuyển lên giàn phơi đến đấy, tranh thủ lúc trời nắng ráo.

làng miến dong yên phong bắc ninh
Miến đang được đóng gói.

Bí quyết chế biến miến ngon của người Đức Lân là chọn sản phẩm được sản xuất từ 100% tinh bột dong riềng, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, không phẩm màu, không chất tẩy, chỉ sử dụng nước sạch trong chế biến, lọc bột nhiều lần để loại bỏ tạp chất, lấy tinh bột nguyên chất. Đặc biệt khâu đánh bột vừa tới, nếu khô hoặc nhão quá đều ảnh hưởng đến chất lượng miến thành phẩm, tráng hấp bánh phải đủ nhiệt… Miến ra khuôn được phơi nắng trên các giàn tre để không bị giòn, gãy. Tùy theo nhiệt độ, nắng, gió mà người thợ căn thời gian phơi bánh để đủ khô, khi xếp, gấp vào nhau không bị kết dính, nhưng cũng không được khô quá làm gẫy lá bánh, không thái thành sợi miến được.

Tất cả những công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì, khéo léo của người thợ nên sợi miến trong, dai, khi ăn sợi mềm, có độ giòn, mùi thơm của dong riềng. Cũng vì thế mà miến dong của thôn Đức Lân luôn giữ được uy tín, hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đấy.

Chị Nguyễn Thị Dinh chia sẻ, ngày thường gia đình chị làm 5 tạ bột nhưng cách 5-10 ngày làm một lần, còn dịp Tết làm 5 tạ bột liên tục 20 buổi/tháng, tuỳ thuộc vào thời tiết nếu trời mưa chỉ làm được 10-15 buổi/tháng. Nếu quá trình phơi bánh, phơi miến gặp thời tiết âm u, độ ẩm cao hoặc mưa không phơi khô được, những tấm bánh, sợi miến sẽ bị mốc thì tất cả mọi công sức lao động là số không.

Mỗi ngày, gia đình chị sản xuất hơn 400 kg miến dong thành phẩm để tiêu thụ khắp thị trường trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Hải Phòng, Huế và ngược lên Cao Bằng, Bắc Kạn… với giá 50.000 – 55.000 đồng/kg. Trước kia, việc sản xuất chủ yếu bằng thủ công nên gia đình phải thuê khoảng 20 người nhưng vài năm gần đây do đầu tư thiết bị máy bán tự động tạo năng suất cao nên đã giảm bớt công lao động; hình thức, chất lượng sản phẩm cũng được cải tiến phù hợp với người tiêu dùng. Hiện gia đình chị tạo việc làm cho 7-10 lao động với mức lương 250.000đ/ngày/người.

làng sản xuất bánh đa nem ở yên phong bắc ninh, làng sản xuất miến dong ở yên phong
Kiểm tra trước khi đóng gói sản phẩm.

Để sản phẩm chất lượng 100% từ dong riềng, cứ đến chính vụ, gia đình chị Dinh mỗi năm nhập 50 – 80 tấn bột, cũng tuỳ từng năm sản xuất nhiều hay ít, có năm nhập 100 tấn bột dong riềng nguyên chất từ Bắc Kạn để sản xuất quanh năm. Nhờ kỹ lưỡng trong khâu chọn nguyên liệu nên sợi miến thành phẩm vừa trong, vừa dai, khi ăn vừa mềm sợi lại có độ giòn tự nhiên, có vị thơm ngon của dong riềng. Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được đặc biệt chú ý từ khâu chọn nguyên liệu đến thành phẩm đóng gói đem đi tiêu thụ. Năm 2016 gia đình chị Dinh đăng ký kinh doanh đầy đủ mã số mã vạch, thương hiệu, nhãn hiệu được chứng nhận của ngành chức năng về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.

Ông Nghiêm Đình Hùng, Trưởng thôn Đức Lân, xã Yên Phụ cho biết: Đức Lân có nghề làm miến dong, bánh đa nem, mì gạo… nhưng nghề làm miến dong hiện thôn chỉ còn 2 hộ duy trì thường xuyên. Đây là nghề phụ ở địa phương cho thu nhập khá tốt, giúp cho nhiều lao động của địa phương có việc làm trong những lúc nông nhàn với mức thu nhập 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Hiện nay thị trường đầu ra chưa có sự kết nối sản phẩm mang tính chuyên nghiệp cũng như khâu giới thiệu, quảng bá, mà chủ yếu các hộ gia đình phải chủ động nên cũng là yếu tố khó khăn trước mắt của bà con nhân dân. Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện trong tiêu thụ sản phẩm, có chính sách hỗ trợ kinh phí để đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất; tạo điều kiện cho nhân dân phát triển thương hiệu miến sạch, trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Đọc thêm: Mỳ gạo Tử Nê (Tân Lãng, Lương Tài)

Nguồn: http://www.baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-kinh-te/-/details/20182/nghe-lam-mien-dong-o-uc-lan-vu-tet

5/5 (1 Review)

Bình luận

Verified by MonsterInsights