Ở khu Niềm Xá, phường Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh) hiện chỉ có 3 nhà làm bánh chưng gia truyền, bánh chưng được sản xuất quanh năm, nhưng từ giữa tháng 12 Âm lịch được coi là vụ chính vì tập trung phục vụ hàng Tết. Thời điểm này, không khí khẩn trương, tất bật ở từng hộ làm nghề. Nhà nào cũng chất đầy nguyên liệu làm bánh: gạo nếp, đỗ xanh, lá dong… chuẩn bị cho vụ sản xuất lớn nhất trong năm.
Có thể bạn quan tâm: Làng trồng lá dong ở Gia Bình, Bắc Ninh hối hả vào vụ Tết
Bánh chưng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người Việt. Chỉ còn một tuần nữa là Tết nguyên đán Quý Mão 2023, những ngày này, hương vị Tết lan tỏa đến từng con ngõ nhỏ.
Bí quyết để làm một chiếc bánh chưng ngon của người Niềm Xá, phải kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu, gạo nếp thì phải chọn gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh loại ngon đã được xát hết vỏ, thịt ba chỉ, nạc vai vừa nạc vừa mỡ, mông sấn, xắt miếng to rồi tẩm ướp gia vị đầy đủ. Lá dong để gói bánh phải là loại lá dong rừng, bản to, màu xanh mướt, không bị sâu, rách. Lá dong đẹp, gạo ngon, tay người gói khéo thì bánh chưng ra lò mới xanh đẹp và dẻo bánh.
Có thể bạn quan tâm: Bánh khoai, bánh ngũ sắc Thị Cầu: Món bánh Tết chỉ Bắc Ninh mới có
Chị Nguyễn Thị Kim Thu, đường Lê Phụng Hiểu, khu Niềm Xá cho biết, gia đình chị làm nghề gói bánh chưng gia truyền đã 3 đời. Ngày thường gia đình chị chỉ gói hơn 100 chiếc bánh, còn dịp Tết gói 300 – 500 chiếc bánh. Thời điểm này là bận rộn nhất trong năm, làm từ sáng đến tận đêm khuya, vì thế, phải huy động tất cả các thành viên trong gia đình, ngoài ra chị phải thuê thêm 7-10 người để đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng bánh chưng của người dân trong dịp Tết.
Nhờ kỹ lưỡng trong khâu chọn nguyên liệu nên bánh chưng của gia đình chị có tiếng là ngon. Trước khi gói, lá dong cần được rửa sạch, lau khô; gạo và đỗ vo thật kỹ để ráo nước, đỗ xanh nấu vừa chín tới, gói xong phải luộc ngay bánh mới xanh. Để chiếc bánh vuông đẹp, mịn, rền thì lúc gói phải “thịt nằm kín trong đỗ, đỗ nằm kín trong gạo” và gói chặt tay. Chỉ dùng nước sạch trong luộc bánh không cho bất kỳ hóa chất hay pin nào trong quá trình luộc bánh. Những năm trước gia đình chị Thu vẫn luộc bánh bằng củi, vài năm gần đây chuyển sang luộc bằng điện nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Thời gian luộc từ 10 – 12 tiếng tuỳ thuộc vào loại bánh to, nhỏ. Sản phẩm xuất đi khắp thị trường trong tỉnh, các nhà hàng, khách sạn và một số khách Hà Nội cũng về đặt. Dịp Tết khách hàng thường đặt loại bánh từ 50-70.000 đồng/chiếc, một số khách hàng đặt 100.000 đồng/chiếc.
Bánh chưng là món ăn, là hương vị mà dù ai đi đâu về đâu cũng muốn thưởng thức, như một biểu tượng cho sự đoàn viên, sự đủ đầy. Trong những ngày Tết, trên mâm cơm cúng gia tiên của mỗi gia đình mà thiếu đi hương vị bánh chưng thì xem như thiếu đi một phần trọn vẹn của năm mới khởi đầu. Với ý nghĩa đó, mà nghề làm bánh chưng truyền thống ngày càng phát triển, mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình gắn bó với nghề này.
Nguồn: http://www.baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-kinh-te/-/details/20182/nghe-lam-banh-chung-khu-niem-xa-hoi-ha-vu-tet