Bắc Ninh là miền quê văn hiến lâu đời nên việc sản sinh ra nhiều nhà văn nổi tiếng, có đóng góp lớn cho văn đàn Việt Nam từ cổ chí kim cũng là điều dễ hiểu. Trong bài viết này, BACNINH.CITY xin tổng hợp top 3 nhà văn quê Bắc Ninh nổi tiếng nhất từ trước tới nay.
Dannh sách này được sắp xếp theo thứ tự từ cổ tới kim nhé các bạn.
Các nhà văn nổi tiếng quê Bắc Ninh
Vũ Trinh
Vũ Trinh (1759 – 1828) tự Duy Chu, hiệu Huệ Văn tiên sinh, là một danh sĩ, luật gia, đại quan của triều Lê trung hưng và triều Nguyễn, ông còn được biết đến là tác giả của nhiều vở Chèo cổ nổi tiếng.
Vũ Trinh là cháu nội của Tiến sĩ Quốc tử giám Tế tửu Vũ Miên – một gia tộc nổi tiếng hiếu học và có truyền thống khoa bảng ở Xuân Lan, huyện Lương Tài, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc – nay là thôn Ngọc Quan (làng Sen), xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Vũ Trinh vốn nổi tiếng thông minh, hiếu học. Năm 17 tuổi, ông đỗ Hương Cống, được bổ làm tri phủ Quốc Oai, rồi được phong tới chức Hữu tham chi Bộ Hình.
Khi nhà Lê mất, đến triều Tây Sơn rồi đến triều Nguyễn lên thay, Vũ Trinh lui về ở ẩn. Sau này ông được vua Gia Long triệu ra làm quan cho nhà Nguyễn.
Với kiến thức uyên thâm, Vũ Trinh đã có nhiều đóng góp cho triều Nguyễn và được cử đi sứ nhà Thanh. Ông được ca ngợi có học vấn sâu rộng, văn chương điển lệ. Những chiếu sách, văn từ đầu thời Gia Long phần nhiều được Vũ Trinh soạn thảo. Đặc biệt, Vũ Trinh là người đã tham gia soạn thảo bộ Hoàng Việt luật lệ – tức bộ luật Gia Long – bộ hình luật lớn đầu tiên của triều Nguyễn – công cụ pháp lý để nhà Nguyễn cai quản đất nước. Ông còn được vua Gia Long giao cho soạn thảo (dự thảo) Phàm lệ soạn sử – tức những quy định, nguyên tắc để sau đó quốc sử triều Nguyễn biên soạn bộ Quốc triều thực lục.
Các tác phẩm văn học của Vũ Trinh
Trong sự nghiệp văn học, Vũ Trinh là cây bút tài hoa đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị tiêu biểu như: tập thơ “Sứ yên thi tập”, “Cung oán thi tập”, và đặc biệt nổi tiếng nhất sự nghiệp văn chương của ông là là tập truyện “Lan trì Kiến văn lục” gồm 45 truyện ngắn viết bằng chữ Hán mang màu sắc truyền kỳ. Truyện Con hổ có nghĩa trong tập truyện này được dạy cho học sinh trong sách Ngữ văn lớp 7 hiện nay.
Đáng chú ý, Vũ Trinh là anh rể của đại thi hào Nguyễn Du. Ông cũng là người được Nguyễn Du tin tưởng giao cho đọc, nhận xét và phê bình tác phẩm Truyện Kiều nổi tiếng của mình.
Đặc biệt, Vũ Trinh còn là soạn giả của vở chèo Lưu Bình – Dương Lễ và Chu Mãi Thần – là 2 trong số 7 vở chèo kinh điển của nghệ thuật chèo Việt Nam. Ngoài ra ông còn soạn các sở chèo: Công chúa Lạc Xương, Hán Sở…
Vở Lưu Bình – Dương Lễ – Nhà hát Chèo Việt Nam diễn
Trích đoạn Tuần Ti Đào Huế trong vở Chu Mãi Thần:
Vũ Trinh được các nhà nghiên cứu đánh giá là nhà văn hóa nổi tiếng của Bắc Ninh – Kinh Bắc cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.
Vinh danh
Hiện nay tên của nhà văn hóa, nhà văn Vũ Trinh đã được đặt cho một phố ở thị trấn Thứa, huyện Lương Tài.
Vì bị bó buộc trong tư tưởng Trung quân thời phong kiến, Vũ Trinh trung thành với vua Lê Chiêu Thống (cõng rắn cắn gà nhà), không ủng hộ lực lượng Tây Sơn nên cái nhìn của người thời nay với ông còn chưa chính xác. Nếu bỏ đi quan điểm chính trị vốn bị bó buộc vào thời cuộc, chúng ta có thể thấy Vũ Trinh là một nhà văn, soạn giả chèo, người làm luật có đóng góp lớn cho những lĩnh vực trên.
Nguyễn Huy Tưởng
Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) là một nhà văn, nhà viết kịch Việt Nam nổi tiếng. Ông là tác giả của những tiểu thuyết lịch sử, vở kịch lớn như: Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Bắc Sơn, Sống mãi với thủ đô… Ông được mệnh danh là Người viết sử bằng văn chương.
Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6 tháng 5 năm 1912 trong một gia đình nho giáo ở làng Dục Tú, Từ Sơn, Bắc Ninh (năm 1965 nhập vào huyện Đông Anh, Bắc Ninh để rồi nhập cả huyện Đông Anh vào Hà Nội); nay thuộc xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ông mất năm 1960, giữa lúc tài năng đang đạt đến độ chín, để lại một sự nghiệp còn nhiều dang dở.
Trong số các di cảo của Nguyễn Huy Tưởng để lại, có một tập bản thảo đánh máy, mang tiêu đề “BẮC NINH, QUÊ HƯƠNG TÔI”, và ghi thể loại là tùy bút. Thời điểm ra đời bài viết là vào tháng 5.1956, khi miền Bắc đang hàn gắn những vết thương chiến tranh và đẩy mạnh kiến thiết trên bước đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đã mười năm nay, tôi mới trở lại nơi chôn rau cắt rốn. Những tên cũ âm vang trong trí nhớ. Lim, quê hương của quan họ. Làng Bưu, làng Me, làng Ngọt với tên những ông trạng lừng danh đã làm bồng bột trí tưởng tượng của tôi hồi nhỏ. Đức thánh Gióng, người anh hùng đầu tiên trong lịch sử, mà vó ngựa sắt còn in lại trên những cánh đồng khô của Phúc Yên lân cận. Tai tôi văng vẳng tiếng ngâm thơ đọc sách, tiếng trống chèo ngày hội thuở xưa, tiếp liền với những tiếng hát cất lên, lúc này, từ những ruộng lúa chiêm màu mỡ bên đường. Ôi tiếng hát Bắc Ninh nó đã thấm vào tôi từ khi còn bú mẹ, làm cho tôi say sưa trong cái tuổi lớn lên, đã theo tôi trên khắp nẻo đường, gắn bó như lời hẹn ước. Một buổi chiều kháng chiến, giữa rừng sâu Việt Bắc, tiếng hát ấy bỗng âm vang, và lòng tôi nhẹ lâng lâng, quên hết những điều gian khổ. Trên đường hành quân với pháo binh ra tiền tuyến trong chiến dịch Biên giới, tiếng hát ấy cất lên, đơn vị hát theo, và pháo băng băng lên dốc…
Trích, tùy bút Bắc Ninh, quê hương tôi, 5.1956, Việt Bắc
Trích đoạn Bóp nát qủa cam của tiểu thuyết lịch sử Lá cờ thêu sáu chữ vàng đã được đưa vào dạy trong sách Tiếng Việt lớp 2, được dựng thành phim hoạt hình. Tiểu thuyết lịch sử Đêm hội Long Trì cũng đã được hình thành phim. Vở kịch Vũ Như Tô đã được dựng & đi diễn nhiều nơi, nhiều năm; trích đoạn của vở kịch này cũng được dạy trong sách Ngữ văn lớp 11.
Các tác phẩm văn học của Nguyễn Huy Tưởng
- Đêm hội Long Trì (tiểu thuyết, 1942)
- Vũ Như Tô (kịch, 1941)
- An Tư công chúa (tiểu thuyết, 1944)
- Cột đồng Mã Viện (kịch, 1944)
- Bắc Sơn (kịch, công diễn 6 tháng 4 năm 1946)
- Những người ở lại (kịch, 1948)
- Anh Sơ đầu quân (tập kịch, 1949)
- Tìm mẹ (truyện thiếu nhi, 1950)
- Ký sự Cao Lạng (tập ký sự, 1951)
- Truyện Anh Lục (tiểu thuyết, 1955)
- Gặp Bác (tập ký, 1956)
- Kể chuyện Quang Trung (truyện thiếu nhi, 1957)
- Bốn năm sau (tiểu thuyết, 1959)
- Sống mãi với Thủ Đô (tiểu thuyết, 1960)
- Lũy hoa (kịch bản, 1960)
- An Dương Vương xây thành ốc (truyện thiếu nhi, 1960)
- Lá cờ thêu sáu chữ vàng (tiểu thuyết, 1960)
- Lũy hoa (truyện phim, 1961)
- Chiến sĩ ca-nô (truyện thiếu nhi)
- Thằng Quấy (truyện thiếu nhi)
- Con cóc là cậu ông trời (truyện thiếu nhi)
- Cô bé gan dạ (truyện thiếu nhi)
- Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng (3 tập, 2006) dày 1700 trang
Vinh danh
Năm 1995, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã đặt tên cho một phố của thủ đô là phố Nguyễn Huy Tưởng, nối từ phố Vũ Trọng Phụng cắt ngang qua phố Nguyễn Tuân đến đường Khuất Duy Tiến. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996.
Tên của ông cũng được đặt cho nhiều đường phố ở nhiều tỉnh thành như ở TP. HCM, Đà Nẵng, và cả TP. Bắc Ninh.
Kim Lâm
Nhà văn Kim Lân là người ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, nay là khu phố Phù Lưu, phường Đông Ngàn, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Phù Lưu cũng chính là ngôi làng Chợ Dầu được nói đến trong truyện ngắn Làng (1948) của ông. Qua nhân vật ông Hai, Kim Lân khắc họa hình ảnh con người Phù Lưu với tình yêu làng tha thiết.
Nhà văn Kim Lân (1920 – 2007) tên thật là Nguyễn Văn Tài. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ được học hết tiểu học rồi đi làm. Năm 1941, tác phẩm của ông được đăng trên các báo Tiểu thuyết thứ bảy và Trung Bắc Chủ nhật. Ông viết về những người dân nông thôn với đời sống lam lũ, vất vả như Vợ nhặt, Đứa con người vợ lẽ, Đứa con người cô đầu, Cô Vịa… Tác phẩm của ông cũng đi vào những đề tài thể hiện sinh hoạt văn hóa phong phú ở thôn quê như Đôi chim thành, Con mã mái, Chó săn. Sau Cách mạng tháng Tám, Kim Lân làm báo, viết văn. Tác phẩm của ông vẫn chuyên về mảng hiện thực làng quê Việt Nam, thể hiện qua các tập truyện ngắn như Nên vợ nên chồng, Con chó xấu xí…
Ngoài viết văn, Kim Lân còn tham gia đóng phim và kịch. Ông đã vào nhiều vai diễn như Lão Hạc trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy, Lý Cựu trong phim Chị Dậu, Lão Pẩu trong phim Con Vá, Cụ lang Tâm trong phim Hà Nội 12 ngày đêm, Cả Khiết trong vở kịch Cái tủ chè.
Nhà văn Kim Lân còn có người con trưởng rất tài năng là họa sĩ Thành Chương với nhiều tranh được trưng bày ở các triển lãm danh giá trong nước & thế giới. Công trình để đời Việt phủ Thành Chương cũng là một tác phẩn kiến trúc sống thu hút rất nhiều du khách tới thăm.
Vinh danh
Năm 2001, Kim Lân được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Năm 2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh quyết định lấy tên nhà văn Kim Lân đặt cho một con phố ở phường Kinh Bắc (Thành phố Bắc Ninh), nằm trong cụm phố mang tên các văn nghệ sĩ gắn bó với vùng Kinh Bắc: phố Tô Ngọc Vân, Tản Đà, Văn Cao, Nam Cao.
Trên đây là top 3 nhà văn quê Bắc Ninh nổi tiếng tầm cỡ quốc gia. Bạn còn biết nhà văn nào nữa? Để lại bình luận để đóng góp thêm cho BACNINH.CITY nhé!