Bắc Ninh – Kinh Bắc là xứ trăm nghề với rất nhiều các làng nghề nổi tiếng lâu đời, có sản phẩm được buôn bán đi khắp Nam Bắc thậm chí xuất ra cả nước ngoài hàng trăm năm nay. Hãy cùng BACNINH.CITY khám phá những làng nghề Bắc Ninh nổi tiếng nhất hiện nay nhé!
Những làng nghề Bắc Ninh nổi tiếng nhất hiện nay
Làng nghề đúc đồng Đại Bái, Gia Bình
Nghề đúc đồ đồng ở làng Bưởi hay còn có tên khác là làng Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh – một ngôi làng nổi tiếng với tượng đồng, gia huy bằng đồng, lư hương, lọ hoa, tranh, câu đối và các sản phẩm bằng đồng khác… Nghề đúc đồng là nghề truyền thống của làng Đại Bái và đây cũng là nơi sản xuất đồ dùng bằng đồng từ xa xưa cho tới nay. Nét đẹp văn hóa và sự phát triển mạnh mẽ của đồ đồng truyền thống khiến Làng Đại Bái đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố Bắc Ninh.
Ngày xưa, dân làng Bưởi đi khắp nơi bán xoong nồi do mình ra. Họ còn di cư theo nhóm lên cả Hà Nội để làm xoong nồi & buôn bán cho thuận tiện. Di cư lên Hà Nội họ mang theo cả tên cũ lên để đặp cho làng mới. Làng Bưởi ở Hà Nội có dân gốc từ làng Bưởi Bắc Ninh này là vậy.
Làng mây tre đan Xuân Lai, Gia Bình & nay thành làng sản xuất khẩu trang lớn nhất miền Bắc
Nghề tre trúc của làng Xuân Lai thuộc huyện Gia Bình, Bắc Ninh (cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km) được xem là cái nôi của nghề tre trúc. Ngày nay làng còn nổi tiếng với các sản phẩm nội thất mỹ nghệ bằng chất liệu tre và trúc, cũng với đó là sự phát triển của mặt hàng lớn như sa-lông,nhà tre, xích đu, tủ, giá sách,… Ngoài ra còn có tranh tranh lấy nguyên mẫu từ tranh dân gian Đông Hồ hay các loại tranh phong cảnh khác. Đặc biệt, những sản phẩm từ tre lại có màu nâu đen bóng và hoàn toàn không phải do sơn. Các sản phẩm làm từ tre, trúc lại luôn mang lại cảm giác thân thiện với môi trường, dung dị nhưng không hề kém phần sang trọng. Bằng sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, cây tre, cây trúc bình dị qua tay những người thợ làng nghề Xuân Lai đã được sáng tạo thành các sản phẩm mang tính nghệ thuật, độc đáo cao. Đây cũng là một cách để làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình hiệu quả.
Bên cạnh tay nghề khéo léo, người làng Xuân Lai còn có đầu óc kinh doanh rất nhạy bén cùng máu kinh doanh liều lĩnh, quyết đoán. Khi covid-19 ập tới, người dân làng Xuân Lai nhanh chóng nhập máy móc, nguyên liệu về sản xuất khẩu trang y tế ngày đêm cung cấp cho toàn quốc. Phải trải qua những ngày tháng xếp hàng mua khẩu trang, mua khẩu trang với giá cao thì bạn mới biết người dân làng Xuân Lan này đã trở thành đại gia khẩu trang như thế nào! Suốt mùa covid-19 khắp nơi giãn cách, công xưởng nhà máy nghỉ làm thì ở Xuân Lai người dân sản xuất khẩu trang ngày đêm, xe tải đến chở khẩu trang giao đi nườm nượp…
Mới đây, tại xã Xuân Lai này còn được duyệt quy hoạch xây sân bay Gia Bình là sân bay trực thăng.
Làng gốm Phù Lãng, Quế Võ
Làng Phù Lãng (thuộc xã Phù Lãng, Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), cách trung tâm Bắc Ninh khoảng 10km và cách sông Lục Đầu tầm 4km. Nguyên liệu để tạo nên những sản phẩm của nghề gốm Phù Lãng là chất liệu đất sét và có màu hồng nhạt ở làng Thống Vát, Cung Kiệm. Trải qua nhiều công đoạn, đất sét được luyện thành dẻo mịn và được tạo hình trên bàn xoay bằng tay của người thợ thủ công.
Ngày xưa sản phẩm gốm chính của làng nghề Phù Lãng là chum vại, ấm đất và chậu sành, tiểu sành…Ngày nay, nhiều con em quê hương Phù Lãng được đào tạo bài bàn về mỹ thuật về lại quê hương & bắt đầu sáng tác các tác phẩm gốm như con giống, phù điêu, tranh gốm, bình gốm, lọ hoa gốm có tính thẩm mỹ cao & mang màu sắc cá nhân của từng người. Tiêu biểu trong số đó là gốm Nhung Phù Lãng, gốm Ngọc Phù Lãng, gốm Huân Phù Lãng…
Có một sự thật thú vị là, ngày xưa có 4 làng gốm nổi tiếng nhất nước thì xứ Kinh Bắc chiếm tới 3, đó là làng gốm Bát Tràng (thuộc huyện Gia Lâm, năm 1965 nhập vào Hà Nội), làng gốm Phù Lãng này, làng gốm Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang, năm 1997 tách Hà Bắc), và làng gốm Chu Đậu (Hải Dương).
Làng tranh giân dan Đông Hồ, Thuận Thành
“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”
Câu thơ nổi tiếng trong bài Bên kia sông Đuống của thị sĩ Hoàng Cầm này chắc đã đi vào lòng nhiều người rồi phải không? Làng tranh Đông Hồ là một làng nghề đã không còn xa lạ với các khách du lịch trong nước và quốc tế. Làng tranh Đông Hồ hiện lên với vẻ đẹp dung dị và xinh xắn nằm bên bờ sông Đuống thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Từ lâu, ngôi làng này đã đi vào cuộc sống tinh thần của mỗi người dân Việt bằng những bức tranh dân gian bình dị mà vô cùng nổi tiếng, mang đậm đà bản sắc dân tộc. Tranh của làng Đông Hồ không phải được vẽ theo cảm hứng nghệ thuật mà người ta tạo nên bằng cách dùng ván để in. Loại giấy dùng in tranh cũng không phải là loại giấy tầm thường mà phải là loại giấy dó mịn mặt. Trước khi in, giấy sẽ được bồi điệp làm nền, chất điệp rất óng ánh được lấy từ vỏ con sò, con hến và là chất liệu riêng biệt của tranh dân gian Đông Hồ.
Ngoài đi thăm làng tranh Đông Hồ, bạn còn có thể đi đến các điểm tham quan cũng rất gần đó như Lăng Thủy tổ Kinh Dương Vương, chùa Bút Tháp cũng ngay bờ đê sông Đuống; chùa Dâu & đền Nam Giao Học Tổ ở QL 17 cũng chỉ cách làng tranh Đông Hồ đó vài km.
Làng rèn sắt Đa Hội, TP. Từ Sơn
Làng Đa Hội (phường Châu Khê, TP Từ Sơn, Bắc Ninh) là một trong những ngôi làng cổ nổi tiếng ở Bắc Ninh với nghề rèn sắt từ bao đời nay. Ngày nay, Đa Hội trở thành địa phương có nguồn thu lớn nhờ vào việc sản xuất thép từ các nguồn nguyên liệu. Nơi đây được ví như một xưởng thép khổng lồ, sản xuất hàng trăm tấn thành phẩm mỗi ngày.
Với bề dày 400 năm phát triển nghề rèn thép, thời xưa, Đa Hội sản xuất sắt, thép phục vụ sản xuất nông nghiệp, mang tính nhỏ lẻ. Công cụ sản xuất của làng thủ công mỹ nghệ Đa Hội ngày xưa rất đơn giản, bao gồm chuông, kìm búa, rìu và cột chống. Nhiên liệu là than đá. Than dùng để luyện sắt phải là gỗ đặc, sắt, pho, đầu bò. Những người thợ rèn ở đây sử dụng đôi bàn tay khéo léo của mình để làm ra cuốc, cày, liềm, bản lề cửa, đinh, dụng cụ chế biến gỗ và các sản phẩm thiết yếu khác do các gia đình nhỏ sản xuất.
Những năm gần đây, sản phẩm phong phú hơn về kiểu dáng, đa dạng về chủng loại, từ sản xuất công cụ nông nghiệp, phụ tùng xe đạp, xe máy, ô tô, khung bàn ghế đến các loại sắt xây dựng, sắt công nghiệp…. Làng sắt thép Đa Hội ngày nay như một xưởng thép khổng lồ, ngày ngày lao động và ban đêm, lò đúc và bùng nổ.
Làng nghề đúc Quảng Bố, Lương Tài
Làng nghề Quảng Bố (thường gọi là làng Vó) thuộc xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh nổi tiếng khắp cả nước với nghề đúc đồng truyền thống. Nghề truyền thống này đã đem lại sự thay đổi lớn về đời sống, kinh tế và gìn giữ được nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Phương pháp đúc đồng ở làng Vó là đúc định hình bằng khuôn vắt và khuôn phá. Nghĩa là sau khi đúc sẽ được ngay sản phẩm. Người thợ chỉ tiến hành các khâu gia công nguội để sản phẩm được hoàn chỉnh, trong khi đó sản phẩm đúc đồng ở Đại Bái là những tấm đồng, sau đó người thợ tiến hành các bước gò, dát thành những sản phẩm theo ý muốn. Chính với kỹ thuật riêng, khiến truyền thống đúc đồng làng Vó được thể hiện đặc trưng tiêu biểu ở khâu nặn khuôn, đắp lò, nấu đồng, kỹ thuật đổ khuôn và các khâu gia công nguội.
Sản phẩm của làng Vó được đánh giá là tinh xảo và đa dạng, nhưng nổi tiếng là sản phẩm đồng về cơ khí của làng hiện đã có mặt ở khắp các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, dưới dạng cung cấp những sản phẩm thô cho các tập đoàn, công ty lớn trong ngành cơ khí của Việt Nam.
Do là làng nghề sản xuất các sản phẩm là chi tiết máy móc, sử dụng trong các ngành cơ khí, chế tạo nên hầu hết các hộ sản xuất kinh doanh trong làng đều sản xuất mặt hàng chuyên biệt khác nhau. Chính vì vậy, vừa phát huy được năng lực sản xuất riêng của từng gia đình lại vừa khiến sản phẩm của các hộ sản xuất nơi đây đạt độ tinh xảo cao hơn. Có gia đình chuyên sản xuất các loại đồ thờ và các đồ trang trí bằng đồng, có gia đình chuyên sản xuất ốc vít, bản lề bằng đồng, có người lại chuyên sản xuất khoá, van nước bằng đồng… Ước chừng số hộ gia đình tham gia vào nghề sản xuất cơ khí từ đồng chiếm đến 75% tổng hộ gia đình trong toàn thôn.
Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đang quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề Quảng Bố để hỗ trợ các hộ sản xuất tại Quảng Bố phát triển sản xuất lên tầm cao mới & bảo vệ môi trường làng nghề.
Làng gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, Từ Sơn
Những năm đầu 2000 cho đến 2015, thôn Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, thị xã Từ Sơn (nay là phường Đồng Kỵ, TP. Từ Sơn) có hơn 500 doanh nghiệp tư nhân ra đời nhờ sự “ thăng hoa” của nghề gỗ mỹ nghệ. Chính vì vậy, làng còn được biết đến với tên gọi là “làng giám đốc” hay “làng tỷ phú”, bước chân ra ngõ là gặp giám đốc.
Nơi đây được xem là khu vực kinh tế trọng điểm của thị xã Từ Sơn và tỉnh Bắc Ninh, bởi chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều doanh nghiệp nơi đây đã biết vận dụng cơ chế thị trường, thành thạo buôn bán, cho nên nhiều người thợ vốn chỉ quen với tay đục, tay tràng đã mạnh dạn đứng lên lập doanh nghiệp, vươn mạnh ra thị trường trong nước và quốc tế.
Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ được làm hết sức khéo léo, cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu, đến khâu chạm khắc và hoàn thiện. Người thợ với đôi bàn tay khéo léo tỉ mỉ chạm khắc những nét hoa văn độc đáo hay hình những con rồng, con phượng…, tạo thành những sản phẩm gỗ mỹ nghệ có đường nét tinh xảo. Những loại gỗ được sử dụng trong đồ gỗ nội thất Đồng Kỵ thường là những loại gỗ quý. Ví dụ như gỗ trắc, gỗ cẩm lai, cate hay gỗ hương… Nhờ vào độ bền của những loại gỗ này, người nghệ nhân dễ dàng chế tác hơn. Những loại gỗ này còn có thể mang mùi gỗ đặc trưng mà rất nhiều người yêu thích. Thời điểm đó, chỉ cần ghé thăm bất cứ gia đình nào trong làng cũng có thể cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương, cả chủ lẫn thợ đều tất bật.
Khi được hỏi lại về cái cảm xúc thời làng Đồng Kỵ “phất” lên như thế, một hộ dân ở đây cười chia sẻ: “Cách đây mấy năm, còn có báo chí cũng đến phỏng vấn tôi đấy. Hồi trước phường tôi nhà nào cũng thuộc diện giàu có, dư giả. Mỗi hộ dân thì ít nhất cũng có từ vài trăm triệu đến vài tỷ trong nhà, hộ nào buôn bán lớn có hàng chục, hàng trăm tỷ trở lên là chuyện bình thường. Nhưng mà bây giờ lại phải bán tháo đất đai, nhà cửa, tài sản.”
Lý do phải bán tháo đất đai, nhà cửa là do covid-19 ập tới khiến thương lái Trung Quốc – thị trường chính của gỗ Đồng Kỵ không thể sang mua hàng được. Đây cũng là bài học đắt giá để các cơ sở sản xuất gỗ ở Đồng Kỵ đa dạng hóa sản phẩm, thị trường trong thời gian tới.
Làng nghề mây tre đan Xuân Hội, Tiên Du
Thôn Xuân Hội (xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du) từ xa xưa đã nổi tiếng với nghề làm mây tre đan truyền thống, trải qua thăng trầm lịch sử, bằng sự năng động, sáng tạo của người dân đã giúp duy trì, phát triển làng nghề, góp phần tích cực xây dựng diện mạo mới cho quê hương.
Từ trước 1945, người dân Xuân Hội đã có nghề đan các loại từ mây tre, nứa mai, vầu và song mây để sản xuất ra các loại quạt nan và ấm tích, vỏ tích phục vụ đời sống của nhân dân trong vùng.
Sau thời gian bị mai một, những năm gần đây,được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh ở Xuân Hội đang có nhiều khởi sắc. Thôn Xuân Hội có hơn 700 hộ thì có tới 80% số hộ sản xuất mây tre đan. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, bên cạnh những sản phẩm đơn giản như: chổi, tăm tre, quạt nan…, người dân địa phương đã tích cực tìm tòi, cải tiến mẫu mã, sản xuất ra các sản phẩm mới, phong phú về mẫu mã, chủng loại như: túi xách, làn, dành, lọ hoa, đồ trang trí… với công nghệ sơn dầu bóng, đẹp. Mỗi ngày, làng nghề sử dụng khoảng10 tấn nguyên liệu để sản xuất mây tre đan, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở nhiều lứa tuổi lúc nông nhàn với thu nhập bình quân khoảng 3 – 4 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư vốn, xây dựng cơ sở chuyên sản xuất đồ mây tre đan tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Nga và một số nước Châu Âu.
Làng dệt luạ Hồi Quan, Từ Sơn
“Hồi Quan là đất cửi canh
Rộn ràng sớm tối thoi đưa nhịp nhàng”
Làng Hồi Quan, P. Tương Giang, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh từ bao đời nay đã nổi tiếng gần xa với nghề dệt truyền thống. Theo các cụ cao niên trong làng, vào những năm đầu thế kỷ XX, nghề dệt ở đây đã rất phát triển. Hầu như nhà nào cũng có vài khung dệt, nhà nhiều có tới cả chục khung.
Ban đầu, người dân Hồi Quan dệt vải bằng những khung cửi truyền thống, dệt khổ nhỏ với phương pháp thủ công để dệt vải màn, đũi, vải dày, vải màu kẻ đổ dọc, vải tơ tằm… phục vụ cho người dân các vùng lân cận.
Bước vào thời kỳ đổi mới, bằng sự năng động, sáng tạo, người dân trong làng phát triển thêm với các khung dệt khổ rộng kết hợp khung sử dụng máy công nghiệp để dệt các mặt hàng như: Gạc y tế, khăn trẻ sơ sinh, vải khổ rộng, sợi xe cung cấp cho nhà máy sản xuất giày dép, khăn mặt… Đồng thời, mở rộng thêm nghề dệt mành tăm và gia công quần áo trẻ em, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia.
Số liếu tính đến cuối năm 2019, làng nghề Hồi Quan có khoảng 1.000 hộ (chiếm hơn 70% tổng số hộ) cùng hàng chục doanh nghiệp, HTX, cơ sở tham gia sản xuất dệt, may mặc.
Nghề dệt, may mặc phát triển, đem lại nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình trong thôn. Về Hồi Quan hôm nay, những ngôi nhà cao tầng hiện hữu, trên trục đường chính những chiếc xe máy, xe tải chở hàng tấp nập.
Làng nghề răng giả Ngọc Quan, Lương Tài
Thôn Ngọc Quan (tên thường gọi là làng Sen), xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh không chỉ nổi tiếng với truyền thống hiếu học – khoa bảng mà còn có tiếng trong lĩnh vực sản xuất răng giả phục vụ cho các phòng khám nha khoa trên toàn quốc.
Bạn có răng hỏng & phải thay răng giả? Bạn muốn làm nguyên bộ răng sứ thẩm mỹ trắng phau & đều tăm tắp? Bạn sẽ đến các phòng khám răng – gặp bác sĩ lấy mẫu răng & được hẹn một số ngày sau quay lại để lắp răng giả. Sau đó, bác sĩ sẽ gửi các khuôn mẫu này tới cho các dental lab – xưởng làm răng giả để làm rồi bác sĩ sẽ gắn lên hàm cho bạn. Bạn biết không, có rất nhiều chiếc răng giả ấy được made by người Ngọc Quan – Bắc Ninh tại các dental lab do người Ngọc Quan làm chủ.
Công nghệ làm răng sứ giả của các công ty của con em Ngọc Quan đã được nâng cao rất nhiều bằng các máy móc & nguyên liệu hiện đại nhập khẩu từ Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ…
Khác với các làng nghề khác: cơ sở sản xuất đặt tại làng mình luôn & các làng thường phải đối diện với tình trạng ô nhiễm môi trường, khói bụi, tiếng ồn; các xưởng làm răng giả của người Ngọc Quan được mở nhiều ở Hà Nội & TP. Bắc Ninh. Nghề làm răng giả cũng không gây khói bụi, tiếng ồn hay xả thải ôm nhiễm môi trường xung quanh.
Một số công ty sản xuất răng sứ của người làng nghề răng giả Ngọc Quan:
- https://detec.vn/
- http://katri.com.vn/
- https://vugialab.com/en/home/
Có thể bạn quan tâm: Top 3 nhà văn Bắc Ninh nổi tiếng nhất: 1 người quê thôn Ngọc Quan này
Kết luận
Trên đây là đôi nét về những làng nghề Bắc Ninh nổi tiếng hiện nay. Nếu có dịp tới thăm Bắc Ninh thì nhất định các bạn phải tới những ngôi làng này để khám phá về những nghề truyền thống của dân ta.