Đặc điểm nổi trội của gạo nếp nhung Tam Sơn là hạt gạo to, tròn, màu trắng đục. Sau khi thu hoạch, người dân xã Tam Sơn đem lúa phơi trong 3 ngày, mỗi ngày chỉ phơi 2 tiếng và không phơi liên tục, nên chất lượng gạo tốt, có giá trị dinh dưỡng cao. Gạo khi nấu lên thành xôi có mùi thơm ngay từ khi nước sôi, hạt dẻo thơm, ăn vào thấy vị ngọt, đến khi nguội vẫn còn giữ được độ keo dính.
Giống gạo nếp đồ xôi, nấu rượu, làm bánh ngon nức tiếng xứ Kinh Bắc
Tam Sơn là một phường nằm ở cửa ngõ phía Bắc của TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất Từ Sơn, khoảng 542,8 ha.
Từ 20 năm trước, người dân xã Tam Sơn đã đưa giống nếp nhung vào gieo cấy. Với ưu thế nổi bật về hình thức và chất lượng, lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu nên đến nay giống lúa này đã trở thành cây trồng chủ lực cho thu nhập cao trên đồng đất Tam Sơn. Với hơn 80% số hộ gieo cấy, diện tích 434 ha, canh tác 2 vụ/ năm.
Đặc điểm nổi trội của gạo nếp nhung là hạt gạo to, tròn, màu trắng đục. Sau khi thu hoạch, người dân xã Tam Sơn đem lúa phơi trong 3 ngày, mỗi ngày chỉ phơi 2 tiếng và không phơi liên tục, nên chất lượng gạo tốt, có giá trị dinh dưỡng cao. Gạo khi nấu lên thành xôi có mùi thơm ngay từ khi nước sôi, hạt dẻo thơm, ăn vào thấy vị ngọt, đến khi nguội vẫn còn giữ được độ keo dính. Đây là loại gạo được nhiều người ưa chuộng, xuất đi khắp các tỉnh thành trong cả nước, được người dân sử dụng để đồ xôi, nấu rượu hoặc dùng trong nhiều món ăn dân tộc như bánh chưng, bánh dày, bánh đúc, bánh phu thê,… Chính vì vậy, sau mỗi vụ thu hoạch, thương lái khắp nơi tìm đến thu mua. Bà Nguyễn Hồng Thắm, xóm Đông, Tam Sơn cho biết: “Nếp nhung Tam Sơn nức tiếng khắp vùng, nên ngay sau khi thu hoạch, các thương lái đã đến thu mua. Đây là động lực để người dân Tam Sơn duy trì và phát triển giống lúa nếp này”.
Với kinh nghiệm 20 năm gắn bó với nếp nhung, ông Nguyễn Duy Hùng ở khu phố Tam Sơn nhận định, gạo nếp nhung Tam Sơn có nhiều điểm nổi trội so với các sản phẩm cùng loại. Khi nấu tỏa mùi hương từ khi nước bắt đầu sôi, cho hạt xôi thơm dẻo, ngọt vị, đến khi nguội vẫn giữ được độ keo dính. “Để làm ra sản phẩm nếp nhung Tam Sơn đạt chuẩn, quy trình sản xuất bao gồm ba công đoạn chính là chọn giống, chăm sóc và bảo quản sản phẩm, trong đó, khâu quan trọng nhất là chọn giống. Giống lúa được chọn riêng ở một thửa ruộng, chọn bông lúa dài, có hạt mẩy đều, gọn bông. Lúa phơi trong 3 ngày, mỗi ngày 2 tiếng và không phơi liên tục, để bảo đảm năng suất, chất lượng gạo”, ông Hùng cho biết.
UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã ban hành “Đề án xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018 – 2020” tập trung xây dựng nhãn hiệu, chứng nhận cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc thù, sản phẩm ẩm thực mang đậm nét văn hóa Bắc Ninh – Kinh Bắc, trong đó có gạo nếp nhung Tam Sơn.
Xây dựng thương hiệu cho gạo nếp nhung Tam Sơn
Mặc dù có chất lượng tốt nhưng gạo nếp nhung Tam Sơn vẫn chịu ảnh hưởng bởi phần lớn sản phẩm bán dưới dạng thóc nguyên liệu và qua nhiều khâu trung gian; Chất lượng giống có hiện tượng thoái hóa do sản xuất nhiều năm liên tục nhưng ít được tuyển chọn; nhiều địa phương khác cũng đưa các giống nếp chất lượng tốt vào sản xuất theo hướng an toàn, canh tác có kiểm soát, trong đó có cả giống nếp nhung như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Nam Định… nên sức cạnh tranh lớn; yêu cầu tiêu dùng và quản lý nhà nước ngày càng khắt khe về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tính minh bạch, tiêu chuẩn, môi trường … Trong khi đó, gạo nếp nhung Tam Sơn chưa sẵn sàng thích ứng với các đòi hỏi mới này.
Xuất phát từ thực trạng và yêu cầu trên, Tam Sơn chú trọng duy trì và kiểm soát chất lượng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các làng nghề, chuỗi phân phối lương thực; phối hợp với các ngành chức năng xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm gạo nếp nhung Tam Sơn… Cuối tháng 9 vừa qua, cán bộ và nhân dân Tam Sơn đã vui mừng được nhận Nhãn hiệu chứng nhận “Gạo nếp nhung Tam Sơn” theo Quyết định 23550/QĐ/SHTT ngày 25 – 3 – 2020 của Cục Sở hữu trí tuệ. Nhãn hiệu này sẽ góp phần bảo vệ, nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm…
Đi trong hương lúa thơm dịu, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tam Sơn Ngô Sỹ Dũng bồi hồi, trước đây, khi chưa có Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, nhiều thương lái, hộ kinh doanh vẫn sử dụng thương hiệu nếp nhung Tam Sơn để chào bán trên thị trường. Điều này dẫn đến nhiều sản phẩm kém chất lượng đội lốt thương hiệu và làm xấu đi hình ảnh, thương hiệu gạo nếp nhung Tam Sơn trên thị trường. “Giờ đây, nếp nhung Tam Sơn đã được đăng ký thương hiệu và được chọn tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Ninh năm 2021. Với mô hình sản xuất chuyên canh theo hướng tập trung nên việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho hơn 200ha lúa của HTX rất thuận lợi, đặc biệt khi trồng ở cánh đồng mẫu lớn, nếp nhung Tam Sơn sẽ bảo tồn được nguồn gen…”, ông Dũng chia sẻ.
Vị ngọt thơm từ gạo nếp nhưng cho người dân Tam Sơn
Hướng ánh mắt về khu ruộng hơn 2,5 mẫu với những bông lúa chín trĩu nặng, cong cong như chiếc cần câu, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa ở khu phố Tam Sơn nhẩm tính: Vụ mùa năm nay thời tiết thuận lợi, năng suất đạt 170-180/kg/sào, với diện tích trồng 2,5 mẫu sau khi trừ chi phí gia đình sẽ thu về khoảng 30 triệu đồng. Nếp nhung chịu rét, kháng sâu bệnh tốt, cứng cây, đặc biệt năng suất cao hơn từ 30-50 kg/sào so với các giống lúa nếp khác…
Nhận thấy giá trị của nếp nhung Tam Sơn, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng ở quận Tây Hồ (Hà Nội) đã đầu tư 2 cơ sở xay xát với công nghệ hiện đại ngay tại khu phố Tam Sơn để thuận lợi cho việc thu mua, cung cấp gạo ra thị trường. Theo bà Hồng, gạo nếp nhung Tam Sơn dẻo, thơm nên rất được khách hàng ưa chuộng. Hiện cơ sở của bà có 10 lao động chuyên thu mua thóc về xay xát, cung cấp cho một số doanh nghiệp và các tiểu thương với số lượng trung bình hơn 10 tấn nếp nhung/ngày.
Ông Nguyễn Khắc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Tam Sơn thông tin, toàn phường hiện gieo cấy nếp nhung với diện tích hơn 500 ha mỗi vụ, sản lượng mỗi năm khoảng 4.200 – 4.500 tấn, doanh thu ước đạt hơn 40 tỷ đồng/năm. Những năm qua, phường phối hợp tổ chức các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, giống cho người dân để nâng cao chất lượng sản phẩm và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm gìn giữ và phát triển thương hiệu gạo nếp nhung Tam Sơn. Thời gian tới, để nâng tầm thương hiệu nếp nhung Tam Sơn, phường tiếp tục chỉ đạo các HTX phối hợp, đẩy mạnh liên kết 4 nhà từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tích cực tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, bảo đảm chất lượng nếp nhung Tam Sơn, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Nếp nhung Tam Sơn đã có chỗ đứng trên thị trường, góp phần gìn giữ tinh hoa của những món ẩm thực đặc sắc vùng Kinh Bắc như bánh chưng, bánh đúc, bánh dày, bánh phu thê… Những cánh đồng đã nhuốm sắc vàng. Tiếng động cơ máy gặt, máy tuốt rộn rã nơi nơi. Hối hả thu hoạch xong, bà con nông dân lại tất bật chuẩn bị cho vụ sản xuất mới, để mỗi một mùa vàng là một mùa vui…
Pingback: TP. Từ Sơn: Đổi thay trên quê hương Tam Sơn anh hùng - Nhà Đất Bắc Ninh BACNINH.CITY