Thôn Trà Lâm (xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là làng đậu phụ với truyền thống 300 năm nổi tiếng với món đậu gù. Món đậu gù Trà Lâm này có gì đặc biệt, có gì khác với đậu phụ thông thường? Cùng BACNINH.CITY tìm hiểu về món ăn dân giã của Thuận Thành này nhé!
Xem thêm: Các món đặc sản Thuận Thành – Bắc Ninh: Nem Bùi – Ninh Xá | Bánh cuốn Mão Điền
Lịch sử về nguồn gốc món đậu gù Trà Lâm
Tương truyền rằng, năm 1640, ven dòng sông Dâu, Thiền sư Chuyết Chuyết đi từ chùa Phật Tích sang chùa Bút Tháp đã truyền nghề làm đậu cho bà con Trà Lâm. Kế tục đời này qua đời khác, bao thế hệ người dân nơi đây vẫn miệt mài sớm khuya với nghề đậu phụ và phát triển chăn nuôi.
Điểm đặc biệt của đậu Trà Lâm là có hình khối, kích thước to hơn hẳn so với các loại đậu thông thường. Theo những người cao tuổi trong làng, ngày trước, việc ép đậu phải thực hiện 2 lần, với khuôn nén thô sơ nên khi chồng 2 tầng đậu nhỏ vào để nén thành bìa đậu to thường không đủ, tạo ra hình dáng hơi méo (gù). Ngày nay, người ta chế tạo được những khuôn to, có thể nén được cả bìa đậu có trọng lượng từ 500-600 gam, vừa cầm chắc tay vừa cho ra được bìa đậu có da màu vàng óng, dậy mùi thơm béo ngậy. Cứ thế, những bìa đậu tinh tươm, nóng hổi sẽ được giao lúc 5 giờ sáng, bày bán kịp cho các chị, các mẹ mua hàng sớm hoặc có thể được giao đi các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hà Nội,… Từ đó, mỗi bìa đậu có thể kết hợp và chế biến thành vô vàn những món ăn ngon miệng, có thể chiên vàng óng được bày bán ở gánh hàng hè phố hay được thả vào những nồi lẩu trong các nhà hàng sang trọng.
Thương hiệu đậu gù Trà Lâm nổi tiếng vẫn được dân làng gìn giữ, được nhiều nơi biết đến như một món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa cơm gia đình hàng ngày. Thôn Trà Lâm hiện có hơn 600 hộ, trong đó có hơn 400 hộ trực tiếp làm đậu, giải quyết nhu cầu cho hơn 700 lao động, với mức thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng.
Sản phẩm đậu phụ Trà Lâm làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó và chủ yếu theo đơn đặt hàng từ khắp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Đặc biệt, sản phẩm đậu phụ Trà Lâm còn được bán ra thị trường một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên.
Trước kia, đậu phụ Trà Lâm chỉ đơn thuần được làm theo phương pháp thủ công thô sơ, không hiệu quả. Bắt đầu từ năm 2010, nhờ ứng dụng máy móc vào sản xuất, sản lượng và chất lượng đậu phụ Trà Lâm tăng lên, giúp thu nhập của người dân địa phương cao và ổn định hơn. Nhiều hộ làm đậu giàu lên trông thấy, đời sống, kinh tế ngày càng được nâng cao.
Bí quyết để có bìa đậu thơm, ngon, mềm mịn, đồng thời đảm bảo yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài việc chọn lựa được những hạt đỗ chất lượng tốt, thì quá trình ngâm, xay, vắt, đun ở nhiệt độ và thời gian thích hợp cũng là những công đoạn cực kỳ quan trọng, quyết định đến chất lượng của bìa đậu. Vì không sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản nên đậu phụ sau khi rời khuôn nếu muốn giữ nguyên được hương vị, cũng như đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dùng sau 5 tiếng, đậu phải được bảo quản ở nhiệt độ nhất định nếu không sẽ bị lên men và chua, không thể sử dụng.
Món ngon với đậu gù Trà Lâm – Bắc Ninh
Cách ăn để cảm nhận đúng nhất, ngon nhất của đậu phụ Trà Lâm là chiên giòn, ăn kèm với rau kinh giới chấm cùng chút mắm tôm cho dậy mùi. Nếu có dịp đến Bắc Ninh, các bạn nhớ ghé qua làng Trà Lâm để thưởng thức món đậu phụ có một không hai này nhé.
Phóng sự của Truyền hình Bắc Ninh về món đậu gù Trà Lâm:
Xem ngay mục Món ngon – Quán ngon để biết các món ăn đặc sản của Bắc Ninh nhé!
Pingback: Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Trí Quả - Thuận Thành - Bắc Ninh mới nhất (đã phê duyệt) - BACNINH.CITY